Thành tích và sự nhiệt huyết của tôi được ban giám hiệu trường và đồng nghiệp ghi nhận nhưng chuyện xét nâng hạng mãi chẳng thể chạm tới.

Một trong những vấn đề được đông đảo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đặc biệt quan tâm đó chính là lương, xếp hạng giáo viên.

Từ những năm 2015 trở về đây khi những Thông tư về bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên được ban hành như Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về lương, cải thiện thu nhập nhà giáo, giáo viên sẽ được xếp lương công bằng, khoa học hơn, giáo viên giỏi làm việc tích cực hơn, năng suất và hiệu quả hơn sẽ được trả lương cao hơn.

GV THCS hưởng lương hạng III cũ, có bằng ĐH hơn 10 năm, có được chuyển hạng II? ảnh 1

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Nhưng có thể nói khi triển khai chuyển xếp lương giáo viên theo Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV gần như chỉ căn cứ vào hệ số lương đang hưởng để chuyển mà không căn cứ trình độ hiện tại hay vị trí việc làm, năng suất và hiệu quả làm việc, nhiều giáo viên có trình độ cao hơn, làm cán bộ quản lý vẫn bổ nhiệm ở hạng thấp nhất.

Ví dụ như, giáo viên ở bậc tiểu học học hưởng lương trung cấp có hệ số lương 1,86-4,06 nâng chuẩn có trình độ đại học năm 2012 (chuẩn trình độ khi đó là trung cấp) nhưng năm 2015 khi bổ nhiệm lương theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không cần biết có thành tích gì, giữ nhiệm vụ gì vẫn chỉ được bổ nhiệm hạng IV (tạm gọi là hạng IV cũ) có hệ số lương 1,86-4,06, quá thiệt thòi cho họ.

Tương tự, giáo viên trung học cơ sở hưởng lương cao đẳng có hệ số lương 2,1-4,89 nâng chuẩn có trình độ đại học năm 2012 (chuẩn trình độ khi đó là cao đẳng) nhưng năm 2015 khi bổ nhiệm lương theo Thông tư 22/2015/ TTLT-BGDĐT-BNV, không cần biết có thành tích gì, giữ nhiệm vụ gì vẫn chỉ được bổ nhiệm hạng III (tạm gọi là hạng III cũ) có hệ số lương 2,1-4,89.

Dù có trình độ đại học (trên chuẩn khi đó) nhưng gần như từ khi chuyển xếp lương từ năm 2015 đến năm 2021 khi Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và cả đến thời điểm hiện nay sau khi Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành Thông tư 08/2023/TTBGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, sau khi có bằng đại học 11-12 năm họ vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng ở hạng thấp nhất dù nhiều người có thành tích cao, cống hiến lâu năm.

Bày tỏ tâm tư của mình, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên tại tỉnh Khánh Hòa có những băn khoăn, thắc mắc như sau:

Tôi đang là giáo viên giảng dạy tại trường THCS tại tỉnh Khánh Hòa.

Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Nha Trang và nhận công tác tại trường vào năm 2007 được xếp lương cao đẳng có hệ số 2,1-4,89. Sau đó đến năm 2012, tôi hoàn thành chương trình đại học theo hệ vừa học vừa làm.

Những tưởng khi học xong đại học mình có thể được hưởng lương theo bằng cấp như các anh chị đồng nghiệp đi trước. Nhưng thật bất ngờ tính đến nay dù có bằng đại học hơn 11 năm, tôi vẫn chỉ là giáo viên trung học cơ sở hạng 3 cũ, lương cao đẳng (hệ số lương 2,1-4,89).

Trong quá trình công tác bản thân tôi đã nỗ lực không ngừng và có được những thành tích chuyên môn nhất định: Tôi đạt giáo viên giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, công đoàn viên tiêu biểu; có chứng chỉ tư vấn học đường; giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia thi khoa học sáng tạo cấp tỉnh; giáo viên giảng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi; giám khảo hội thi giáo viên giỏi trường, giỏi huyện…

Thành tích và sự nhiệt huyết của tôi được ban giám hiệu trường và đồng nghiệp ghi nhận nhưng chuyện xét nâng hạng mãi chẳng thể chạm tới.

Theo thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT – BGDĐT-BNV, vì tôi đang hưởng lương cao đẳng nên chỉ được phiên ngang là giáo viên trung học cơ sở hạng 3 mã số V.07.04.12 có hệ số tương đương 2,1-4,89 dù khi đó đã có bằng đại học.

Trong khi những giáo viên nào được hưởng lương đại học trước đó thì được phiên ngang là giáo viên trung học cơ sở hạng 2 mã số V.07.04.11 có hệ số lương 2,34-4,89 mà không yêu cầu thêm bất cứ điều gì, dù tôi khi đó cũng đã có bằng đại học, tôi có thành tích, cống hiến cao hơn nhiều người đó.

Sau thời gian đó thật lòng tôi chẳng biết làm gì cho trường hợp của mình và các đồng nghiệp giống mình. Vì khi hỏi các cấp lãnh đạo chỉ nhận được một câu trả lời ngắn gọn: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định”.

Đến năm 2021 khi chùm thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành mặc dù khi đó có rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng với tôi đó là niềm vui vì đây chính là cơ hội để tôi được có cơ hội được hưởng lương đại học và hy vọng được thăng hạng,…

Vào ngày 18/02/2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nơi tôi công tác có văn bản hướng dẫn về việc xét thăng hạng.

Tôi đã chuẩn bị rất chu đáo, sưu tầm đầy đủ các minh chứng để phục vụ cho bộ tiêu chí thăng hạng theo thông tư 03/2021/TT-BGDĐT. Theo bảng điểm mà Phòng Giáo dục huyện gửi về để giáo viên tự đánh giá, tôi dư 1 điểm vì có tiêu chí tôi đạt ở mức cao. Cứ nghĩ đợt này mình sẽ được bổ nhiệm lương đại học, thăng hạng sau mười mấy năm cố gắng, cống hiến.

Nhưng rồi các huyện khác trong cùng tỉnh Khánh Hòa đã có kết quả về kì xét nâng hạng cho giáo viên thì huyện tôi lại không có bất cứ một thông tin gì.

Tôi có liên hệ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để hỏi về vấn đề của mình thì nhận được câu trả lời rất chung chung như: “Phòng cũng không biết lí do vì sao không được. Có thể do số lượng giáo viên hạng 2 của huyện đã đủ nên không xét…” những câu trả lời mà theo tôi nghĩ nó không căn cứ vào một văn bản pháp lí nào.

Đọc kĩ thông tư 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục tôi không hề thấy điều khoản nào quy định những điều mà Phòng Giáo dục trả lời.

Vấn đề nâng hạng ở đây không chỉ là vài trăm nghìn tiền lương mà lớn hơn đó là sự ghi nhận những cố gắng của giáo viên. Rõ ràng trong công việc thì khối lượng công việc vẫn ngang bằng nhau, số tiết dạy cũng như nhau. Vậy có công bằng hay không? Vậy cần chi học nâng cao trình độ, cần chi cố gắng phấn đấu, cần chi nhiệt huyết phong trào…cứ tàng tàng cũng được trả đủ lương”.

Chia sẻ của giáo viên trên chỉ là một trong số rất nhiều thầy cô gửi thư về Tòa soạn về nội dung này.

Bằng các hiểu biết cá nhân, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành xin được tư vấn để bạn tham khảo như sau:

Thứ nhất, bạn sẽ được bổ nhiệm hạng III mới

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã có bằng đại học từ năm 2012 nhưng đến nay dù Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều Thông tư nhưng vẫn hưởng lương hạng III cũ có mã số V.07.04.12 có hệ số tương đương 2,1-4,89.

Bạn đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hạng III mới (lương đại học) theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Vấn đề này tôi nghĩ có trách nhiệm của lãnh đạo Phòng Giáo dục, Phòng Nội vụ chậm tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định bổ nhiệm lương từ hạng III cũ (lương cao đẳng) của Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang hạng III mới theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Theo tôi được biết, nhiều địa phương trong cả nước giai đoạn 2021 – 2023, đã tiến hành bổ nhiệm, chuyển xếp lương từ hạng cũ sang hạng mới, đảm bảo quyền lợi giáo viên.

Theo như bạn phản ánh, các huyện lân cận trong tỉnh đã chuyển xong, bạn đã liên hệ Phòng Giáo dục nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Vấn đề này, bạn có thể kiến nghị về Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa để xem xét, đảm bảo quyền lợi của mình và giáo viên trong huyện.

Thứ hai, theo Thông tư 08 bạn chưa được nâng hạng trong năm nay

Theo như thông tin bạn cung cấp, do bạn đang hưởng lương hạng III cũ (lương cao đẳng) theo Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nên Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Thông tư 22/2015/TT-BGDĐT quy định:

“Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32)”.

Do bạn đang hưởng lương hạng III cũ, nên bạn chỉ được bổ nhiệm hạng III mới.

Về điều kiện để được thăng hạng lên hạng II, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT cũng quy định “Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) (hệ số lương 2,34-4,98) hoặc tương đương được xác định gồm: Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202) (hệ số lương 2,1-4.89) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019.

Theo thông tin bạn cung cấp bạn đã có trình độ đại học năm 2012, nên về thời gian giữ hạng III hoặc tương đương để thi, xét thăng hạng lên hạng II bạn đã đủ số năm giữ hạng.

Nhưng, do hiện nay bạn đang hưởng lương hạng III cũ nên chỉ được bổ nhiệm hạng III mới vì tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở như sau:

“…2. Khi bổ nhiệm giáo viên từ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư này thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp…”

Do đó, theo tôi nghĩ dù có nhiều thiệt thòi, nhưng theo quy định hiện hành, sắp tới bạn sẽ được bổ nhiệm hạng III mới, lương đại học trong năm 2023.

Nếu năm 2024, địa phương bạn có tổ chức thi, xét thăng hạng từ hạng III mới lên hạng II mới nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện bạn có thể tham dự, nếu đạt bạn sẽ được chuyển xếp lương từ hạng III mới lên hạng II mới.