Thật sự thật là bóng đá nữ rất khổ, rời sân cỏ những cô gái vàng quay lại cuộc sống khổ cực để mưu sinh.

Có ý kiến cho rằng cầu thủ nữ ngại kể khổ và tự ti, điều đó chưa đúng. Sự thật là bóng đá nữ Việt Nam bây giờ không còn giống ngày xưa. Nếu truyền thông than nghèo, kể khổ về bóng đá nữ thì khâu tuyển chọn của các đội sẽ vô cùng khó khăn. Bởi chẳng ai muốn để con gái đi đá bóng khi biết tương lai chịu nhiều nỗi khổ, còn thu nhập rất thấp so với rất nhiều ngành nghề trong xã hội. Họ có thể chọn mà nghề khác dễ thở hơn, ít nhất là không phải đánh đổi hạnh phúc đời người.

Trong một lần trò chuyện với tôi, một cựu cầu thủ nữ làm huấn luyện bày tỏ nỗi lo là công tác tuyển sinh của bóng đá nữ càng ngày càng khó. Vì mức sống cầu thủ nữ quá thấp, chịu rất nhiều vất vả nên không nhiều gia đình cho con gái đi đá bóng.

Bức tranh chung của bóng đá Việt Nam đã phản ánh đầy đủ. Độc giả có thể đọc lại bài viết Những người hùng tuyển nữ Việt Nam: Đá bóng cứu cha, cứu mẹ và cứu… chính mình. Phần lớn các cô gái đi đá bóng vì gia cảnh rất nghèo, thậm chí có người từ thuở nhỏ chấp nhận đá bóng chỉ mong giúp gia đình thoát gánh nặng phải nuôi nhiều miệng ăn.Đời con gái đi đá bóng khổ lắm: Đừng nói chuyện vĩ mô, họ đá tốt chỉ mong thưởng to! Ảnh 1Tuyển thủ Tuyết Dung – người hùng bóng đá nữ đá xong, về nhà làm đồng áng.

Sau kỳ tích dự World Cup 2023 của tuyển nữ Việt Nam, không ít ý kiến nói về chủ đề xưa như… quả đất là trọng nam kinh nữ. Tôi nghĩ ý kiến này khá chủ quan và nói quá lên so với sự phát triển chung của xã hội hiện đại. Vấn đề của bóng đá nữ là mặt bằng thu nhập quá thấp so với xã hội chứ không riêng bóng đá nam. Vì không có sự thay đổi theo sự vận động của môn thể thao vua, là phát triển theo bóng đá chuyên nghiệp.

Tôi ví dụ đội nữ TPHCM lên ngôi ở giải vô địch quốc gia 2021 thì nhận được 200 triệu. Đội Á quân là 100 triệu và hạng Ba có 70 triệu. Tổng mức thưởng của giải đấu không bằng khoản thưởng 1 trận thắng ở V.League (mức trung bình là 500 triệu). Nhưng bao nhiêu năm rồi khung thưởng giải nữ vẫn đứng im, thậm chí có nguy cơ thấp đi. Đơn cử đội hạng Ba là 70 triệu chia cho mấy chục con người, tức mỗi người nhận được 2-3 triệu đồng sau giải đấu. Con số này thua cả một giải phong trào.

Thực trạng buồn kể trên cũng đồng nghĩa các cầu thủ nữ chịu rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thu nhập của cầu thủ nữ thấp đến mức một tuyển thủ tâm sự với tôi: Nhiều lúc quá nản, chỉ muốn bỏ bóng đá!

Hãy đặt trong một hoàn cảnh rằng, ngay đến tuyển thủ còn nản vì thu nhập thấp thì hàng trăm cô gái khác không có suất lên tuyển nữ Việt Nam chắc chắn vất vả hơn rất nhiều. Vì lên tuyển có thêm các khoản thù lao như tiền ở đội tuyển, tiền thưởng, và chế độ tuyển thủ chắc chắn phải cao hơn một cầu thủ bình thường.

Ở tuyển nữ Việt Nam, những cô gái mà chúng ta đang tung hô là người hùng, có người đi đá bóng hơn 16 năm nhưng tiền công mỗi ngày nhận được ở CLB: 180 nghìn đồng/ngày. Tính cả tiền ăn, hỗ trợ… thì dành dụm mỗi tháng được 6-7 triệu/đồng.

Một tuyển thủ có 16 năm chơi bóng nhận tiền công 180 nghìn/ngày. Những cô gái đi sau phải có thu nhập thấp hơn. Nếu họ làm đẹp, son phấn và gửi về cho gia đình thì coi như… chẳng còn lại gì. Đây cũng là lý do từng có nhiều cầu thủ đi bán bánh mì, bán nước mía, bán rau, sửa xe, làm thêm ở quán cà phê…Đời con gái đi đá bóng khổ lắm: Đừng nói chuyện vĩ mô, họ đá tốt chỉ mong thưởng to! Ảnh 2

Xa rời sân cỏ, các tuyển thủ đi bán rau, bán bánh mì để mưu sinh.
Tôi từng trò chuyện với nhiều cầu thủ nữ, có suy nghĩ chung là họ khát vọng được lên tuyển. Lý do thực tế là có thêm thu nhập, cố gắng đá có thành tích để được thưởng. Vì mức lương vài triệu đồng/tháng rõ ràng rất nhỏ bé khi được số tiền thưởng ở ĐTQG. Họ không suy nghĩ thưởng nhiều hay ít, thưởng đúng với giá trị mang lại cho bóng đá nước nhà hay không. Chỉ cần có thưởng là tất cả đều rất vui.

Sau mỗi sự thành công, hay kỳ tích của bóng đá nữ thì không ít ý kiến bàn chuyện to tát. Nhưng sự thật thì điều quan trọng nhất là làm sao cho các cô gái sống được với nghề quần đùi áo số. Đó là chuyện thực tế. Đời cầu thủ nữ đi đá bóng phải đánh đổi rất lớn, từ tuổi xuân đến ngoại hình (mái tóc, làn da, vóc dáng…), hạnh phúc cá nhân. Và họ không có thu nhập ổn định, chưa sống tốt với nghề cầu thủ thì làm sao chúng ta đòi hỏi các cô gái phải cống hiến hết mình trên sân cỏ?!

Vậy nên, đằng sau những tấm huy chương, kỳ tích thì các cô gái mong muốn điều thiết thực nhất là được thưởng to. Họ cần có tiền để cải thiện cuộc sống và họ sống tốt thì hễ bàn đến chuyện vĩ mô. Vì bao nhiêu năm rồi vẫn ca mãi điệp khúc tuyển nữ thắng được tung hô, xong rồi lãng quên.