Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ – tác giả “Khoảng trời, hố bom” – qua đời sáng 6/7, hưởng thọ 75 tuổi. Giới văn chương tiếc nuối một cây bút tài ba, tấm lòng lương thiện rời cõi tạm sau nhiều chống chọi với bệnh tật.
Cây bút tài hoa
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ) và là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Những tác phẩm nổi bật của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có thể kể đến Trái tim sinh nở (thơ, 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983), Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984), Nai con và dòng suối (truyện thiếu nhi, 1987), Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi, 1987), Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989), Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007), Khoảng trời, hố bom (thơ, 1972), Chuyện cổ nước mình (thơ, 1978)… Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.
Lâm Thị Mỹ Dạ từng đạt nhiều giải thưởng cao về thơ ca.
Trong sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đạt nhiều giải thưởng như Giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng, Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam năm 1999, Giải A thơ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế.
Bài thơ Khoảng trời, hố bom đạt giải Nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ năm 1971-1973, lúc bà vừa tròn đôi mươi. Khoảng trời, hố bom được viết từ sự ám ảnh về số phận những chiến sĩ mở đường thời kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1970, trong chuyến thực tế đường 10, nhà thơ gặp một đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một phụ nữ lớn tuổi người Quảng Ninh. Cô đã giải ngũ ba năm nhưng về đến nhà mới biết cả gia đình bị bom chết, ngôi nhà chỉ còn lại cái hố sâu hoắm. Sau những ngày ở nhờ nhà bà con, cô lại khoác ba lô vào chiến trường.
Từ phải sang: nhà thơ Mai Văn Hoan, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh và nhà báo Nguyễn Xuyến. Ảnh: TL.
Hai năm sau, Lâm Thị Mỹ Dạ trở lại con đường đó, hỏi đến đơn vị của người kia nhưng không còn ai biết nữa. Sau chuyến đi trở về nhà, nhà thơ ra sông giặt quần áo, bỗng sững sờ trước hình ảnh khoảng trời in trong đáy nước. Ám ảnh về hố bom trỗi dậy. Lâm Thị Mỹ Dạ bỏ cả quần áo, về nhà viết bài thơ.
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính” – Ngô Văn Phú.
“Thơ vừa là nơi gây cho mình nhiều vết thương cũng vừa là nơi xoa dịu, nhưng cũng không hẳn là một khu vườn chữa bệnh. Vì nếu như vậy, ai cũng nhảy vào đó. Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát, nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng”, Lâm Thị Mỹ Dạ từng nói.
Nhận xét về thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà từng viết: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng”. Nhà thơ Ngô Văn Phú nhận định: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính”.
Thánh thiện nhưng cuộc đời nhiều xót xa
Những người từng quen biết, tiếp xúc với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đều ấn tượng vì sự đậm nữ tính, dịu dàng của bà. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – từ mấy chục năm trước đã gọi nhà văn Lâm Thị Mỹ Dạ là thiên thần bay xuống trần gian.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bên cạnh chồng – nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ông khẳng định ngay cả những câu thơ viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp, sự yêu thương, chở che. “Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu.
Đối với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hồn nhiên, xinh tươi nhưng cuộc đời có nhiều xót xa. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “thân và yêu” Mỹ Dạ từ năm 1973 khi cả hai cùng học chung khóa đào tạo 3 tháng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở nhà sáng tác Quảng Bá (nay là Bảo tàng văn học Việt Nam).
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ.
“Mỹ Dạ xinh đẹp, dễ thương, hồn hậu, có phần ngây thơ khi trẻ. Nhưng cuộc đời chị cũng nhiều đau đớn xót xa. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – chồng chị bị ốm từ 1999 đến nay, chị không rời anh nửa bước”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ.
Bà cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mắc bệnh Alzheimer. Trước khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ rời cõi tạm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vào TPHCM thăm tác giả Khoảng trời, hố bom. “Năm 2013, tôi và Nguyễn Thị Ngọc Hà đến thăm chị. Chị không nhận ra chúng tôi. Nhưng khi nhận ra, chị Dạ cũng không thể viết tặng sách mà phải nhờ chúng tôi tự viết, chị chỉ ký thôi”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhận định thơ Mỹ Dạ nhiều bài hay, nhưng vào ngày nhà thơ Mỹ Dạ rời đi, bà chỉ xin nhắc lại câu thơ: “Ước gì cầm được cô đơn/Ném thia lia để hoá buồn thành vui” để gửi gắm niềm thương nhớ đến nhà thơ Mỹ Dạ.
Lễ viếng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu lúc 15h ngày 6/7 tại nhà riêng của bà ở TPHCM. Nhà thơ được hỏa táng tại Phúc An Viên (TP. Thủ Đức).