Vốn không phải gương mặt xa lạ với khán giả truyền hình, Trọng Lân dù chuyên trị vai phụ thế nhưng anh vẫn ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ khi đảm nhận những vai diễn phản diện.
Trọng Lân sinh năm 1993, tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Lân, được khán giả biết đến khi xuất hiện trong một số dự án phim truyền hình ăn khách như Người phán xử, Quỳnh búp bê… Trong sự nghiệp, nam diễn viên thường được đạo diễn tin tưởng giao cho vai phản diện. Chia sẻ tại chương trình Lời tự sự, anh cho biết mọi thứ đến với mình như một cơ duyên. Dù vậy, nam khách mời khẳng định ở ngoài đời, bản thân không ham chơi, bất cần như những nhân vật mình từng tham gia. “Những người bạn, những người từng tiếp xúc với tôi sẽ hiểu điều đó”, anh tâm sự.
Trọng Lân kể thêm anh sinh ra trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật. Vào thời điểm học cấp 3, anh được chị gái gợi ý thử sức ở lĩnh vực diễn xuất. Nam khách mời biết ơn vì trong khoảng thời gian học tập ở trường, “chính cố nghệ sĩ Hoàng Dũng là người kéo tôi lại để tôi có được ngày hôm nay”.
Lý giải về điều này, diễn viên Quỳnh búp bê bộc bạch: “Có một khoảng thời gian tôi đi làm thêm trong quán bar. Môi trường đó có rất nhiều thành phần. Tôi phải tiếp xúc với rượu, bia. Công việc của tôi làm cả tuần, nên hôm nào về tôi cũng trong tình trạng say cả”.
Trọng Lân nói thời điểm đó, anh suýt đ.ánh mất mình vì thấy bản thân kiếm được nhiều tiền. Cụ thể, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi bản thân đang kiếm được tiền nên nam khách mời nghĩ đến việc bảo lưu chuyện học. Và thế là anh mang câu chuyện này chia sẻ với NSND Hoàng Dũng.
“Tôi vẫn nhớ thầy nhìn tôi, rồi tự nhiên cho tôi ăn cái tát. Tôi giật mình và run hết cả người. Lúc đó tôi biết thầy buồn, vì tôi suy nghĩ non nớt. Bao nhiêu công lao, tâm huyết của thầy dành cho sinh viên mà tôi lại làm như thế. Hồi đó tôi chưa hiểu vấn đề đâu”, anh kể.
Theo lời chia sẻ của Trọng Lân, NSND Hoàng Dũng khi ấy không giấu được sự buồn lòng. Nam nghệ sĩ nói với học trò: “Đàn ông quan trọng nhất là sự nghiệp, nếu không có sự nghiệp thì không làm được gì”. Chính lời dạy đó của diễn viên Gái già lắm chiêu khiến Trọng Lân tỉnh ngộ. Từ đó, anh quyết định chú tâm đi học lại. “Đó là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm đối với tôi”, anh nhấn mạnh.
Cùng điểm lại những vai diễn khiến khán giả phải nhắc tới nhiều về Trọng Lân:
Những vai diễn đầu tiên của Trọng Lân trong Người phán xử, Cả một đời ân oán
Phong “Cấn” – Quỳnh búp bê, vai diễn “để đời” của Trọng Lân
Ngay sau khi bộ phim Cả một đời ân oán chuẩn bị kết thúc, Trọng Lân đã nhận được kịch bản của bộ phim Quỳnh búp bê. Có thể nói, vai diễn Phong “Cấn” như sinh ra để dành cho Trọng Lân. Anh nhận được lời mời vào vai Phong, con trai của “ông trùm” nhà hàng Thiên Thai. Trọng Lân đã lột tả hình ảnh một cậu ấm ngỗ ngược, chơi bời lêu lổng và luôn hống hách, ngông cuồng, khiến người xem phát ghét.
Trọng Lân bị cuốn hút vào kịch bản Quỳnh búp bê từ những trang đầu tiên vì sự gai góc, chân thực, khả năng lột tả thực tế cuộc sống xã hội. Chia sẻ về nhân vật Phong, Trọng Lân cho rằng, đây là một nhân vật đáng thương hơn đáng trách. Dù tính cách nhân vật ngang ngược, ngông cuồng, nhưng Phong lại luôn cô đơn trong cuộc sống.
Là con trai của ông trùm “cave”, Phong cũng có cách yêu đương “không bình thường”. Anh tỏ ra là một kẻ ăn chơi trác táng, cặp kè hết cô này đến cô khác. Cho đến khi gặp được Quỳnh, Phong đã trúng “tiếng sét ái tình”. Anh đem lòng yêu Quỳnh, bất chấp mọi thứ, kể cả mạng sống để bảo vệ Quỳnh. Hình ảnh một chàng công tử hống hách với cả thiên hạ nhưng lại dịu dàng trước một cô gái khiến cho vai diễn Phong của Trọng Lân gây ấn tượng với khán giả. Đây cũng chính là vai diễn đưa tên t.uổi của Trọng Lân đến gần hơn với khán giả truyền hình.
Thiếu gia Cường – phim Cô gái nhà người ta
Sau bộ phim Quỳnh búp bê, Trọng Lân tiếp tục tham gia dự án phim Cô gái nhà người ta. Anh đảm nhận vai Cường, con trai ông chủ xưởng dệt giàu có ở làng. Cường là kẻ huyênh hoang, bất tài và hám gái. Anh ta một mặt theo đuổi cô giáo Uyên, mặt khác lại vẫn tán tỉnh Đào, em gái của Uyên.
Cường là một công tử bột vô cùng bì ổi. Cường tán tỉnh Uyên và ngỏ ý muốn cưới, Uyên đồng ý lấy Cường theo mong muốn của cha. Nhưng ngay trước ngày cưới, Cường đã lên giường cùng Đào, em gái của Uyên. Khi biết bị phản bội, Uyên tuyên bố hủy đám cưới. Bị Uyên huỷ hôn, Cường nổi điên và đã lên kế hoạch l.àm n.hục cô.
Không những thế, Cường còn làm cho Đào có thai nhưng không nhận. Sau khi “bồi thường” 150 triệu đồng cho Đào, Cường thuê người chặn đường đòi lại khiến cô sảy thai. Nhân vật của Trọng Lân bị nhiều khán giả ghét từ đầu phim.
Trọng Lân “lột xác” với vai diễn Lợi “đầu bò” – phim Lối về miền hoa
Với đôi mắt một mí đặc trưng, Trọng Lân đã hóa thân xuất sắc vào những nhân vật phản diện để rồi anh bị gắn mác là “trai hư” trên màn ảnh khi mang đến cho khán giả những cảm nhận chân thực về nhân vật trong phim. Mãi cho đến bộ phim Lối về miền hoa, Trọng Lân mới thực sự “lột xác”. Anh khiến khán giả bất ngờ với tạo hình trai quê tốt bụng, hoàn toàn khác so với những vai diễn trước đây Trọng Lân từng đảm nhận.
Lợi vẫn là chàng công tử con nhà giàu nhưng lại có chí tiến thủ, đam mê khởi nghiệp, sẵn sàng bảo vệ người con gái mình thích và thể hiện tình cảm một cách ngây ngô. Lợi có tính cách đẹp, luôn luôn nghĩ tốt về mọi người. Đặc biệt, mối quan hệ cha con của Trọng Lân và diễn viên Thanh Bình (ông Lâm) nhận về phản hồi vô cùng tích cực. Sự kết hợp ăn ý của hai thế hệ diễn viên đã đem đến cho khán giả những pha cười ra nước mắt.
Từng chia sẻ với PV Dân Việt về mối quan hệ cha con trên phim Lối về miền hoa, Trọng Lân cho biết: “Tôi ước được thể hiện tình cảm với bố ở ngoài đời như trên phim. Ngoài đời, bố tôi cũng là người rất quan tâm đến con nhưng không mấy khi thể hiện. Tôi cũng rất ngại có những cử chỉ tình cảm với bố”.
Chia sẻ về cơ duyên vào vai Lợi trong Lối về miền hoa, Trọng Lân cho biết, vai diễn lần này là cơ hội để anh thay đổi hình ảnh trong mắt khán giả.