Cùng làm chung công việc, cùng chịu trách nhiệm ngang nhau nhưng mức lương lại khác nhau hoàn toàn.
Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm các Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.
Chất lượng giảng dạy không phụ thuộc vào hạng của giáo viên. Ảnh minh họa
Tại thời điểm cuối tháng 6 này, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện các thủ tục chuyển xếp hạng mới cho giáo viên theo quy định.
Tại trường học hiện nay, phần lớn giáo viên được phân thành 3 thứ hạng. Nhóm giáo viên chức danh hạng III, hạng II và hạng I.
Không ít thầy cô được xếp hạng cao nhờ ăn may?
Cô giáo Mai và cô giáo Hoa (giáo viên tiểu học tại một tỉnh phía Nam) cùng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, ra trường cùng về dạy tại một trường tiểu học. Vài năm sau, cô giáo Mai đăng ký học đại học từ xa do Trường Đại học Huế tổ chức.
Cô giáo Hoa học lên cao đẳng do trường cao đẳng của tỉnh về giảng dạy. Ở thời điểm này, giáo viên tiểu học có bằng cao đẳng cũng đã là vượt chuẩn.
Năm 2017, có bằng đại học, đáp ứng điều kiện về tiêu chuẩn trình độ, cô giáo Mai được chuyển sang giáo viên tiểu học hạng II theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập. Còn cô giáo Hoa được xếp giáo viên tiểu học hạng III vì mới có bằng cao đẳng.
Cũng trong năm này, cô giáo Hoa tiếp tục học liên thông đại học và lấy bằng vào năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm này tỉnh không thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên như trước.
Đến nay, thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04 và Thông tư 08/2023. Cô giáo Mai được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng II và được hưởng hệ số lương 4.0, còn cô giáo Hoa được bổ nhiệm sang giáo viên tiểu học hạng III với hệ số lương 3.36.
Giữa hai cô giáo hiện nay, không chỉ khác nhau về thứ hạng (người là giáo viên tiểu học hạng II, người lại là giáo viên tiểu học hạng III) mà hai mức lương cũng chênh lệch nhau khá nhiều.
Cô Hoa nói: “Không đi học đại học sớm hơn mà chỉ học cao đẳng là sai lầm của bản thân. Lấy bằng tốt nghiệp sai thời điểm lại là cái xui của mình nên bây giờ phải chịu mức lương thấp”.
Khác với cô Hoa và cô Mai, thầy giáo Mạnh và thầy giáo Tuấn đều có bằng đại học cùng năm. Tuy nhiên, hai thầy giáo đăng ký học liên thông hai trường đại học khác nhau nên thời gian nhận bằng cũng cách nhau một tháng.
Thầy giáo Mạnh nhận bằng trước nên nộp vào và được chuyển xếp hạng II. Thầy giáo Tuấn nhận bằng chỉ sau một tháng nhưng không được xếp chuyển vì đã qua đợt xét tuyển của tỉnh.
6 năm nay, thầy Tuấn ôm bằng đại học nhưng vẫn hưởng mức lương hệ trung cấp. Thầy Tuấn cho biết, nhờ lần này, thầy đã được bổ nhiệm vào giáo viên tiểu học hạng III với mức lương 4.32 trong khi bạn cùng lớp là thầy Mạnh sẽ được hưởng mức lương với hệ số là 5.02.
Mức chênh lệch này không hề xuất phát từ trình độ, từ năng lực chuyên môn hay hiệu quả giáo dục…mà rõ ràng từ sự may rủi do thầy giáo Mạnh lấy được bằng tốt nghiệp đại học trước, lại vào đúng thời điểm tỉnh nhà xét thăng hạng.
Thầy giáo Tuấn lấy bằng sau một tháng nhưng lại quá xui vì không đúng đợt xét tuyển của tỉnh nhà. Và từ năm 2017 cho đến trước ngày chùm các Thông tư 01-04 có hiệu lực cũng không thực hiện xét nâng hạng lần nào.
Cô giáo Hoa, thầy giáo Tuấn chỉ là một trong hàng trăm ngàn thầy cô giáo bị xui khi chuyển xếp hạng theo chùm Thông tư 01-04 và Thông tư 08/2023.
Người hạng thấp lại chỉ đạo người hạng cao hơn?
Hiện nay, trong nhiều trường học, giáo viên hạng III là tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên cốt cán cấp trường, cấp huyện thị, thậm chí cấp tỉnh nhưng một số giáo viên hạng II không đủ năng lực chuyên môn để đảm nhận những nhiệm vụ như vậy.
Có những giáo viên hạng III có năng lực chuyên môn vững vàng, có kỹ năng sư phạm tốt hơn một số giáo viên hạng II. Và, có những giáo viên hạng II lại giỏi hơn nhiều một số giáo viên hạng I.
Thầy giáo Hùng, hiệu trưởng một trường học tại miền Trung chia sẻ: “Năm học nào trường mình cũng có đội tuyển học sinh giỏi. Người phụ trách, chịu trách nhiệm chính ôn luyện cho các em lại là giáo viên hạng III. Trong khi ở trường, có không ít giáo viên hạng II, thậm chí hạng I nhưng vẫn không đủ tin tưởng để giao phó”.
Nói rồi, thầy Hùng còn cho biết, cô giáo hạng III ấy lại là giáo viên cốt cán cấp tỉnh phụ trách modul về môn Toán trong chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên. Cô là người hướng dẫn, hỗ trợ và chấm bài cho nhiều thầy cô giáo hạng II, hạng I của nhiều trường học ở địa phương.
Ở nhiều trường học hiện nay, không phải cứ giáo viên hạng I, hạng II là giỏi hơn, nhiệt huyết hơn giáo viên hạng III.
Không hẳn, lớp dạy của những thầy cô giáo hạng I, hạng II chất lượng học tập tốt hơn những lớp giáo viên hạng III đảm nhiệm. Vì thế, khi phân công chuyên môn, nhà trường hầu như không căn cứ vào thứ hạng để giao nhiệm vụ mà nhìn vào năng lực chuyên môn cũng như hiệu quả công việc của mỗi thầy cô giáo.
Giáo viên hiện nay đều có một nhiệm vụ như nhau là giảng dạy và giáo dục học sinh. Ngoài công tác giảng dạy, mọi hoạt động khác ở nhà trường, các thầy cô giáo đều phải có nghĩa vụ thực hiện ngang bằng nhau.
Tuy thế, họ lại có những điểm khác biệt như người là giáo viên hạng III, người hạng II, người lại hạng I. Ngoài thứ hạng chênh lệch nhau thì mức lương nhận được cũng vô cùng khác nhau.
Cùng làm chung công việc, cùng chịu trách nhiệm ngang nhau, có người nhận mức lương cao còn có người lại quá thấp.
Giáo viên nếu nói không phân bì, so đo là nói dối. Không ít thầy cô đã ngậm ngùi, buồn tủi, và có cả nuối tiếc giá mà, biết vậy…
Mong muốn của nhiều thầy cô giáo ở các bậc học hiện nay là không phân biệt giáo viên theo hạng như hiện nay mà đánh giá năng lực giáo viên theo chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh hàng năm. Vì chỉ có như thế, các thầy cô giáo mới nỗ lực hết mình vì học sinh.