Xinh đẹp, học thức, đức hạnh song Nam Phương Hoàng hậu lại có cuộc đời truân chuyên khi chồng là cựu hoàng Bảo Đại mải mê chạy theo ong bướm, để bà một mình lo lắng cho các con. Tuy vậy, bà vẫn giữ niềm kiêu hãnh.
Nam Phương Hoàng hậu (1914 – 1963), bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn. Bà xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có của miền Nam và cũng hưởng thụ nền giáo dục của nước Pháp ngay từ nhỏ. Theo sử sách chép lại, Hoàng đế và Hoàng hậu gặp nhau trong 1 buổi tiệc, họ phải lòng nhau (theo sự sắp xếp của người Pháp) và đám cưới đã diễn ra.
Lễ đại hôn của Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu, diễn ra vào tháng 3/1934. Đây vừa là lễ cưới của Hoàng đế với Hoàng hậu, vừa là lễ sách lập nàng thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Chính cung Hoàng hậu.
Những năm sau đó là những tháng ngày mật ngọt, hạnh phúc khi cả hai lần lượt có với nhau 5 người con: Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng, Hoàng nữ Phương Liên, Hoàng nữ Phương Dung và Hoàng nữ Phương Mai.
Cả gia đình 7 người cùng sống với nhau trong điện Kiến Trung – toà điện duy nhất được xây dựng theo lối Châu Âu trong Đại Nội Huế – với đầy đủ tiện nghi tối tân; ăn cùng bàn như một gia đình (theo quy tắc trước đó thì không ai được ngồi cùng mâm với Hoàng đế, kể cả Hoàng Thái hậu hay Hoàng hậu).
Giọt lệ đầu tiên của Nam Phương được ông Phạm Khắc Hòe (nguyên tổng lý văn phòng của hoàng đế) chứng kiến trong ngày cựu hoàng Bảo Đại chia tay gia đình ra Hà Nội làm cố vấn theo lời mời của Chính phủ. Cựu hoàng “khóe mắt hơi ướt, nhưng miệng vẫn mỉm cười, bế Phương Dung lên hôn một lần nữa”. Bà Nam Phương mở to mắt “nhìn theo như muốn níu chồng, nhưng ông này không quay lại”.
Ngay sau khi ra Hà Nội, Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng. Ông quan hệ kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với Mộng Điệp. Sau đó, ông công khai quan hệ với vũ nữ Lý Lệ Hà.
Vũ nữ Lý Lệ Hà – tình nhân của Vua Bảo Đại – không có hình chụp rõ được lưu lại trong lịch sử, chỉ có một bức hình trắng đen mờ mờ. Trong lịch sử, bà là một tuyệt sắc giai nhân, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi đầu tiên của Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho nhiều bậc nghệ sĩ đường thời.
Sau khi chính thức là người tình của Bảo Đại, Lý Lệ Hà và Bảo Đại lúc nào cũng đi cùng với nhau. Sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” có chép lại rằng: Bảo Đại quan hệ công khai với Lý Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của mọi người xung quanh đang sống khắc khổ đạm bạc.
Trong thời gian đó, Nam Phương biết hết mọi chuyện. Bảo Đại vẫn viết thư đều về cho vợ, để… xin tiền. Dù rất muốn ra Bắc sum họp với chồng, hoàng hậu vẫn ở lại Huế vì e ngại sẽ làm tốn kém thêm cho nhà nước trong lúc đầu chính phủ đang nghèo, lo trăm chuyện và thêm nữa không muốn khiến cựu hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó. Bà gửi cho ông số tiền như ông yêu cầu.
Sau năm 1946, Bảo Đại rời Việt Nam, sống lưu vong tại Hong Kong cùng Lý Lệ Hà. Sau khi xin tị nạn ở Hong Kong, giai đoạn đầu Bảo Đại phải sống nhờ vào tiền tiết kiệm của Lý Lệ Hà. Daniel Granclément viết: “Tiền ông quăng trên các bàn bạc hoặc thanh toán tiền phòng là của cô nhân tình Lý Lệ Hà chi trả. Cô này đã phải mở két, biếu ông tất cả tiền tiết kiệm của một cô gái nhảy nửa thượng lưu, số tiền lên tới vài trăm bạc nhờ tài kiên trì tích cóp”.
Thời điểm đó, Nam Phương đã gửi cho Lý Lệ Hà một bức thư tay, lời lẽ dịu dàng nhưng vẫn thể hiện sự uy quyền, không đ.ánh mất đi phong thái của một bậc “mẫu nghi”.
“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”
Bức thư chỉ vọn vẻn 66 chữ, rất chừng mực, thể hiện đúng phong thái của bậc Mẫu nghi thiên hạ. Nhưng nhìn sâu vào từng dòng từng chữ, có thể thấy được ẩn tình sâu xa mà vị Hoàng hậu đã gửi gắm. Dường như, bà muốn nói với nhân tình của chồng rằng bà biết rất rõ chồng bà đang làm gì, ở với ai. Nhưng phần vì ở xa, phần vì tôn ti khác biệt, bà chẳng thèm ra tay làm trò ghen tuông trừng trị.
Đó là bức thư thể hiện cách cư xử chín chắn và đúng mực, súc tích nhưng thể hiện ý niệm buông xuôi và giao phó chồng cho tình địch, mong tình địch chăm sóc hộ người đàn ông của mình. Cũng là một lời đoạn tuyệt với người chồng đầu gối tay ấp chung 5 đứa con- người đã thề nguyền sẽ 1 vợ, 1 chồng mãi mãi bên bà.
Thế nhưng, Nam Phương nhấn mạnh rằng “ta còn gặp lại nhau”, như muốn nhắc nhở cô nhân tình biết rõ vị thế của mình, và cần biết cư xử làm sao cho phải, đừng làm gì tổn hại đến danh dự hoàng tộc.
Mặt khác, với lý trí 1 người phụ nữ, Nam Phương Hoàng hậu biết rằng kiểu gì thì bức thư này cũng được Cựu hoàng “để mắt” tới. Bà nhân danh một vị chính thất, thay mặt cả mẹ chồng là Đức Từ Cung Thái hậu “trọn kiếp nhớ ơn em”, cũng có thể là ẩn ý rằng, dù “trao” chồng mình cho Lệ Hà, bà cũng sẽ nhớ chuyện này ngay cả khi xuống mồ chăng?
Không rõ bức thư đã ảnh hưởng đến tâm lý của Lý Lệ Hà đến đâu nhưng nhiều năm sau đó, bà này đã gìn giữ bức thư như một kỷ vật rất quan trọng của cuộc đời.
Vào giữa tháng 8/1947, Nam Phương quyết định rời Việt Nam. Bà qua Hong Kong gặp chồng sau hai năm xa cách. Lúc này, cuộc sống vợ chồng được đặt lên hàng đầu. Những người tình khác của Bảo Đại phải lánh mặt ít nhất trong một thời gian. Nhưng cũng không bao lâu sau đó bà đưa con rời Hong Kong sang Pháp. Khi ấy bà đã 33 t.uổi nhưng nhan sắc vẫn lộng lẫy muôn phần, thế mà dù chồng có trăng hoa đến mức nào, bà vẫn không bao giờ lấp khoảng trống trong lòng ấy bằng một người đàn ông khác, bà giữ phẩm hạnh và cốt cách của mình ngay cả khi không còn tại vị.
Cuộc tình “động trời” của vũ nữ Lệ Hà và ông hoàng Bảo Đại cuối cùng cũng kết thúc. Nàng vũ nữ dù đẹp, dù dày dạn tình trường vẫn chẳng đủ sức để níu chân ông hoàng đa tình. Bảo Đại đã rời bỏ cô hoa khôi làng gái nhảy Hà thành ngày nào để tiếp tục cuộc rong ruổi kiếm tìm những bóng hồng mới.
Nam Phương hoàng hậu điềm nhiên sống cuộc đời của riêng mình mãi cho đến khi qua đời ở t.uổi 49 vì căn bệnh tim. Ngày diễn ra đám tang của bà, cựu hoàng Bảo Đại cũng tuyệt nhiên không có mặt.